Tại hội thảo về đổi mới toàn diện nền giáo dục trong môi trường CNTT diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, ông Quách Tuấn Ngọc đã nêu lên một thực trạng rằng vai trò của CNTT trong cải cách giáo dục đã được đề cập từ vài năm nay nhưng vấn đề là người ta có chấp nhận những lợi ích mà CNTT đem lại.
CNTT mang đến tư duy mới, giúp người học trau dồi kiến thức ở bất cứ thời điểm nào. Hệ thống quản lý giáo dục cũng sẽ không còn bó buộc trong từng trường học do được đưa lên mạng và truy cập dễ dàng qua tên tài khoản, mật khẩu. Nhờ đó, các nhà quản lý sẽ tổng hợp được những dữ liệu quý giá mà trước đây rất khó thu thập. "Tuy nhiên, có nhiều người, đặc biệt là những thành phần tiêu cực, có bệnh thành tích sẽ ngại ứng dụng CNTT vì nó đưa ra số liệu thật, công khai bức tranh thật", ông Ngọc nhận định.
Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Mạnh Vỹ.
Trước đó, trả lời câu hỏi liệu ngành giáo dục có định ứng dụng CNTT để việc thi cử trở nên minh bạch tại lễ trao giải lãnh đạo CNTT Đông Nam Á 2012, ông Ngọc (là một trong 16 CIO tiêu biểu) cho hay: "Sức mạnh của CNTT lớn quá nên nó có thể lại là rào cản, chẳng hạn người thủ trưởng không có cái tâm tốt sẽ thấy CNTT hiệu quả quá, minh bạch quá làm mất cơ hội làm ăn của họ".
Ông Nguyễn Quang Kính, nguyên Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng đồng ý với ý kiến cho rằng một số thủ trưởng ngành giáo dục chưa đủ bản lĩnh để thay đổi và ra quyết định.
Bàn về những tác động tiêu cực của CNTT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng, cho hay người làm giáo dục nên hướng đến những mặt tốt mà CNTT mang lại. Ví dụ, trước đây, tội phạm dùng dao bằng đá, nhưng sau đó chuyển sang dao thép với độ nguy hiểm lớn hơn, nhưng không vì thế mà người ta lại ngăn cản việc sử dụng dao thép trong cuộc sống. "Tương tự, CNTT đang phát triển nhảy vọt và không vì mặt xấu mà người ta lại từ chối nền văn minh dựa trên CNTT, ngược lại càng phải để mọi người tiếp cận và học hỏi, làm giàu thông tin lành mạnh, thông tin tốt để chi phối, lấn át cái xấu, cái tiêu cực", ông Vũ Ngọc Hoàng khẳng định. "Trong số các nguồn tài nguyên của đất nước, tài nguyên quý nhất là thông tin, nó không mất đi mà càng nhiều người sử dụng lại càng giàu lên".
Cũng theo Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo, CNTT sẽ tham gia giải quyết mâu thuẫn giữa chất lượng và số lượng cho ngành giáo dục. Trước đây, chỉ một nhóm học sinh tiếp cận được một người thầy giỏi thì trong điều kiện CNTT với kết nối Internet và sự phổ biến của sách giáo khoa, giáo trình điện tử, sẽ có một triệu học trò biết đến.
"CNTT không thay thế được người thầy nhưng một người thầy cộng với sự hỗ trợ của CNTT giống như có thêm 10 người thầy", ông Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh.
Các chuyên gia tham gia hội thảo cũng khẳng định CNTT và giáo dục có mối liên hệ mật thiết với nhau, do đó trong các dự thảo về đổi mới giáo dục toàn diện nhất thiết phải có một mục về CNTT mới có thể tạo nên một nền giáo dục hiện đại và hội nhập.
Châu An
0 comments:
Post a Comment